NHẬN THỨC QUÁN - MƯỜI LIỆU PHÁP CHÁNH NIỆM

NHẬN THỨC QUÁN - MƯỜI LIỆU PHÁP CHÁNH NIỆM

Lời Giới Thiệu Của Ngài Bhikkhu Bodhi Tứ Đế, giáo lý căn bản của Phật giáo đã chỉ ra rằng sự tham ái, những khát vọng mù quáng cho dục vọng cá nhân là nhân đưa đến tất cả những khổ đau và trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi. Tuy nhiên, ở một số giáo lý khác, Đức Phật cũng đã chỉ ra rằng mối liên hệ nhân quả giữa tham ái và khổ đau không phải là cuối cùng. Tham ái, bản thân nó là nhân duyên, xuất phát từ căn nguyên sâu thẳm hơn nữa đó chính là Vô minh. Vô minh trong tiếng Pali là avijjā, nó là một ý nghĩa phủ định – sự thiếu hiểu biết đúng đắn (vijjā). Điều này có nghĩa rằng, những gì thuộc về tham ái và những cảm xúc uế trược khác như lòng căm thù, giận dữ, ngã mạn, và đố kỵ là một sự thất bại trong nhận thức. Chúng ta ngụp lặn trong dòng chảy ái dục do chúng ta không có hiểu biết chân thật; vì chúng ta thiếu “sự hiểu biết và sự nhìn nhận các pháp như chúng vốn là”. Mặc dù, Vô minh là một sự phủ định, nhưng trong guồng quay hối hả của cuộc sống hằng ngày, nó lại giữ một vai trò chủ động, nó tạo ra kiểu méo mó của sự hiểu biết, làm đảo điên kinh nghiệm sống của chúng ta trong cuộc đời. Dưới sự điều khiển của Vô minh, khả năng nhận thức của chúng ta về thế giới theo một chiều hướng hoàn toàn trái ngược, chẳng hạn như các pháp thật chất là vô thường, vô ngã, rỗng tuếch, đáng ghê tởm lại hiện ra một cách vĩnh hằng, có tự ngã, đầy thú vị và đáng khao khát. Sự ‘điên đảo’, các kiểu méo mó trong nhận thức này có tác dụng ở nhiều cấp độ khác nhau. Ở mức độ thô thiển, chúng định đoạt cái nhìn cố chấp của chúng ta. Ở mức độ vi tế hơn, chúng tràn vào khuấy phá những tư tưởng khái niệm của chúng ta. Và ở mức vi tế nhất, chúng thậm chí kiểm soát luôn cả nhận thức của chúng ta. Do đó, chúng ta không những nhìn nhận các pháp một cách sai chạy, thậm chí chúng ta còn nhận thức thế giới xung quanh, mà gần nhất là chính tự thân chúng ta như bằng chứng cho những quan niệm lệch lạc như thường hằng, hữu ngã, thích thú và khoái lạc. Chúng ta có thể thấy rõ rằng trong tiến trình này là một mẫu hình nhân quả phức tạp. Dưới ngưỡng cửa của sự nhận thức tỉnh táo, vô minh thâm nhập vào sự nhận thức của chúng ta, rồi từ đó lan ra những tư tưởng, quan điểm và cho ra những hiểu biết lệch lạc. Những tri kiến điên đảo này xúi giục và tăng cường tham ái kèm theo sự dính mắc, uế trược, ngã mạn và những phiền não khác; chúng trói buộc ta để mãi trôi lăn trong sanh tử luân hồi. Và rồi, khi chúng ta trôi lăn trong luân hồi muôn kiếp tương tục, ta gặp và lặp đi lặp lại những khổ đau, đối diện với, sanh, già, bệnh, chết, sầu, bi, khổ, ưu não v.v… Với tiến trình nhân quả như thế, con đường đưa đến sự giải thoát mọi khổ đau không chỉ bao hàm sự tinh tấn duy trì ý chí chống lại sự cám dỗ của dục lạc mà còn song song với sự chuyển đổi nhận thức. Mục đích tối hậu của việc thực hành Phật đạo đó là việc đạt được sự đột phá về nhận thức để bạt nhổ gốc rễ vô minh vốn câu hữu trong tận sâu thẳm nơi tâm thức chúng ta. Chính điều này đòi hỏi phải phác thảo một tiến trình tỉ mỉ. Để đạt được chiến thắng tối hậu, điều cần thiết bên cạnh việc chặt đứt mối liên hệ giữa cảm thọ và ái dục, điều đã được nói đến trong rất nhiều Kinh điển, mà còn là đảo ngược những tiến trình từ vô minh đến tà kiến. Điều này có nghĩa là sự nhận thức của chúng ta phải được chuyển hoá. Sự nhận thức phải được thay đổi, thay vì để sự nhìn nhận các pháp theo con đường có sự tham gia của ái dục hay thái độ vẩn đục, thì chúng ta nhận thức bằng con đường suy yếu ái dục và cuối cùng loại bỏ vô minh. Con đường đi đến giải thoát tối hậu có thể hiểu là một phần của tiến trình bởi những gì chúng ta học để nhận ra những gì gọi là tà kiến và chuyển hoá chúng quay về chánh kiến. Đây là tiến trình đòi hỏi khắt khe của sự huấn luyện tâm trí, song, những lời dạy của Đức Phật cũng đã cung cấp cho chúng ta những hướng dẫn về những loại nhận thức mà chúng ta phải phát triển. Những loại nhận thức (saññā: nam tính: tư tưởng, sự nhận thức nữ tính: tưởng uẩn) này cũng là những sự tư duy sâu lắng, trầm tư. Thực tế, từ Pali thường dùng để dịch ‘sự tư duy sâu lắng’, anupassanā, gần với nghĩa đen, anu nghĩa là lặp đi lặp lại, passanā nghĩa là cái thấy, sự thấy, sự hiểu rõ, sự nhận thấy. Quá trình tôi luyện này là sự nhận thấy gần gũi, duy trì, lặp lại nhiều lần, và đỉnh điểm là minh sát Vipassanā, tuệ rõ biết tâm tánh, hay “sự nhận thức đặc biệt”. Và nó chính là Tuệ trí, chính Minh kiến này dẫn đến trí tuệ của xuất thế gian đạo, đạt đến quả vị giải thoát tối hậu. Trong số các nguồn tư liệu sơ khai của Đức Phật, nhấn mạnh về sự tu tập nhận thức đúng đắn mà nổi bật nhất chính là trong Tăng Chi Bộ Kinh, bộ Kinh này các Chương được sắp xếp theo số thứ tự tăng dần từ Một cho tới Mười Một. Một số bài Kinh ở các Chương cuối của bộ này đã nêu bật được vai trò của sự chuyển hoá nhận thức để dễ dàng đưa đến Niết bàn. Bắt đầu từ quyển Năm, Đức Phật đã giới thiệu hai nhóm của năm loại nhận thức; Ngài dạy: “khi phát triển và tu tập, chúng có năm quả lớn, lợi ích lớn, dễ dàng đến bất tử, đưa đến cứu cánh bất tử” (Tương Ưng, Chương Năm pháp. 61-62). Trong quyển Bảy, lại một lần nữa, chúng ta bắt gặp hai nhóm của bảy sự nhận thức dễ dàng đưa đến sự bất tử trong Tương Ưng, Chương Bảy pháp. 48-49); tương tự, trong quyển Chín (16), và quyển Mười (56-57). Trong truyền thống Thượng Toạ Bộ, bài kinh nổi tiếng nhất về sự chuyển hoá nhận thức là Kinh Girimānanda (Tương Ưng, 10.60). Trong bài Kinh này, Đức Phật dạy mười sự nhận thức, mà thực chất là mười lĩnh vực quán chiếu. Ngài không chỉ liệt kê chúng như đã làm trong bài kinh ngắn liên hệ trước, mà còn giải thích ngắn gọn tuần tự từng cái bằng con đường thực tập. Bài Kinh do đó cũng được xem là bảng trích yếu súc tích về chủ đề thiền quán. Song, bài Kinh Girimānanda lại được phổ biến một lí do khác nhau chẳng hạn như: Nó cũng dạy như một bài ‘Kinh Phòng Hộ’, (paritta), một bài Kinh của sự che chở, một ý nghĩa chữa lành. Như một bối cảnh để cho bài Kinh ra đời, Đức Phật dạy mười phép nhận thức vì lợi ích cho vị Tăng đang bệnh tên là Girimānanda. Tỳ Kheo này được mô tả là người bệnh trầm trọng, có lẽ sắp mất. Và chúng ta được kể rằng ngay khi bài Kinh được giảng kết thúc, Thầy Girimānanda, sau khi học mười phép nhận thức này, Thầy ấy đã khỏi hẳn bệnh, bình phục khoẻ mạnh. Thiền của Phật giáo đã du nhập vào nền văn hoá hiện đại Tây phương bằng con đường thực tập chánh niệm. Nó được rút ra từ những tư liệu gốc và được giảng dạy như một phương pháp thanh tịnh thực tế. Bây giờ, nó không những được dạy như một phương tiện của trí tuệ giải thoát mà còn cho những mục đích xác định bởi giá trị bảo vệ xã hội; chẳng hạn như thành tựu vật chất, sức khoẻ sinh lý, tính đại chúng, hiệu quả làm việc cao hơn. Nếu Phật pháp được ứng dụng một cách đúng đắn vào môi trường văn hoá hiện đại của họ như vậy, những phương pháp thiền căn bản phải hiển hiện trong mọi lĩnh vực của họ và được dạy dưới ánh sáng của trí tuệ triết học Phật giáo. Kinh Girimānanda đáp ứng đầy đủ các tiêu chí này. Mười sự nhận thức được dạy trong Kinh bao trùm một lĩnh vực rộng lớn từ sự nhận thức về vô thường, vô ngã cho đến sự quán chiếu đưa đến vô dục, chẳng hạn như sự quán chiếu bản chất bất tịnh của xác thân và sự nguy hiểm in trong bản chất nhạy cảm của chúng ta đưa đến bệnh tật và huỷ hoại. Chúng bao gồm các sự thiền quán về Niết bàn và chánh niệm trên hơi thở, một công cụ cho sự phát triển cả hai thứ là định tĩnh và trí tuệ. Thời gian chín muồi cho việc phác thảo một bức tranh với những chủ đề thiền trong Kinh Girimānanda được giảng giải chi tiết cho những ai mong muốn quen thuộc hơn với sự mênh mông bao la của các phương pháp thiền được dạy trong các kinh điển đầu tiên. Quyển sách của Thiền Sư Gunaratana này, một vị Thiền sư đáng kính và được yêu mến, Ngài đã khoả lấp những chỗ trống cho hành giả mới thực tập thiền. ‘Trưởng lão G’, cái tên được biết đến rộng rãi, đã có sự kết nối từ những kỹ năng cần thiết đến việc hoàn thành nhiệm vụ này. Là một tu sĩ gốc Sri Lanka, Ngài thâm hiểu và truyền thụ giáo lý truyền thống Pali, đặc biệt là những lời dạy trong tạng Kinh Nikaya, Ngài tiếp thu trong suốt quá trình xuất gia và tu học ở Sri Lanka. Ngài đã chuyển đến sống tại Mỹ và đã trở nên quá thân thuộc với nền văn hoá xứ sở cờ hoa như những người bản địa ở New York, Los Angeles v.v… Những tác phẩm về Thiền đầu tiên của Ngài đã vô cùng phổ biến, và trong hàng thập kỷ, Ngài đã hướng dẫn thiền cho dân chúng ở Mỹ và khắp nơi trên thế giới. Với những năng lực như thế, Ngài đã đảm nhận công việc giảng dạy những khía cạnh Phật Giáo về sự nhận thức trên cả hai phạm trù là trong vai trò tiêu cực như công cụ của vô minh và đau khổ của nó, trong vai trò tích cực như một công cụ giúp đỡ trên lộ trình giải thoát. Trong quyển sách này, Ngài tập trung vào sự trình bày của những vấn đề đó trong Kinh Girimānanda. Với tính cách minh bạch rõ ràng của mình, Ngài đã giải thích một cách sáng tỏ bằng sự đơn giản, trực diện, điều mà Ngài luôn làm cho người đọc và thực tập sinh của mình. Ngài thường lặp lại và nhấn mạnh các phương diện quán chiếu liên quan đến kinh nghiệm sống thường nhật của chúng ta như thế nào. Hơn nữa, Ngài cũng khảo sát tỉ mỉ một chủ đề hiếm khi gặp phải bởi các cách chú giải truyền thống về Kinh này. Làm thế nào mà các phương pháp thiền có thể dẫn đến chữa trị các căn bệnh, mục đích ban đầu của Đức Phật trong việc giảng giải những hình thái nhận thức này cho Tôn giả Girimānanda. Ngài Gunaratana đã mang lại sức sống của bài Kinh Đức Phật dạy xa xưa cho người đọc hôm nay. Chỉ cho chúng ta thấy rằng, những lời dạy dù cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ vẫn còn liên quan mật thiết với cuộc sống đầy bất an và hỗn loạn của chúng ta ngày nay. Dẫu cho các sự nhận thức này có chữa lành thân bệnh cho chúng ta hay không thì cũng chỉ là phần thứ yếu mà thôi. Điều quan trọng tiên quyết đó là khả năng chữa lành sự suy nhược nơi tâm, vô minh câu hữu trong sai lệch tâm thức, và tà kiến về bản thân và thế giới.
Sign up to use